Ta có 6 hãng xe tham gia, triển lãm của bạn có tới 23 thương hiệu xe gồm toàn những thương hiệu lớn như: BMW, Chevrolet, Ford, Honda, Hyundai, Isuzu, Kia, Lexus, Lotus, Mazda, Mercedes-Benz, MINI, Mitsubishi Motors, Mitsuoka, Nissan, Peugeot, SsangYong, Suzuki, Thairung, Toyota, Volkswagen và Volvo. Thậm chí lần đầu tiên, thương hiệu xe siêu sang Rolls-Royce cũng góp mặt tại sự kiện này.
Có ai đó nói, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Biết thế, nhưng ta vẫn phải so sánh. So sánh để biết ta đang ở đâu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. Hãy lấy Triển lãm ôtô ra làm ví dụ.
Ai cũng biết thị trường ôtô ở Việt Nam còn là một thị trường nhỏ. Nhỏ nhưng số lượng các kỳ triển lãm ôtô mỗi năm lại quá nhiều với 4-5 kỳ do các đơn vị khác nhau tổ chức. Do vậy, hệ quả khó tránh khỏi là sự manh mún, vụn vặt của mỗi kỳ triển lãm. Có vẻ là các nhà tổ chức thích vẽ ra các triển lãm, mà càng vẽ ra nhiều thì chất lượng càng kém.
Hãy nhìn vào AutoExpo hay hai đợt Auto&Petrol. Nếu như AutoExpo thỉnh thoảng có vài tên tuổi lớn như Audi, Renault, Citroen hoặc Land Rover “góp vui” thì Auto&Petrol hầu như chỉ có sự xuất hiện của Subaru là đáng kể nhất. Các thương hiệu ôtô nhập khẩu khác như Hyundai, Kia (Trường Hải), Chrysler, Dodge, Jeep hay BMW thì cũng bữa được bữa chăng. Thế mới có chuyện, vì nhỏ quá nên đơn vị tổ chức triển lãm ôtô quyết định tổ chức ghép chung với triển lãm xây dựng. Ôtô, ắc quy, lốp… lẫn lộn với những sơn, giấy gián tường, gạch, ngói. Trông chẳng ra đâu vào đâu.
Một gian hàng ôtô tại VietNam Motor Show (Ảnh mang tính minh họa)
Đấy là mấy cái Triển lãm liên quan đến xe hơi mà nghe đến tên đã thấy phát chán. Thôi thì kì vọng vào Vietnam Motor Show (hay còn gọi là VAMA Motor Show). Nhưng kì vọng lắm thì thất vọng nhiều.
Triển lãm này được xem là lớn nhất do có sự hội tụ sức mạnh của các thành viên VAMA - những doanh nghiệp được xem là mạnh nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Chính vì nó là triển lãm của VAMA nên không có bất cứ (cũng có thể là không được phép) sự xuất hiện nào của các mẫu xe do các Công ty ngoài VAMA nhập khẩu và kinh doanh. Đó là một triển lãm mang tính cục bộ, thế nên, dễ hiểu vì sao mãi nó không vươn tầm lên được.
Đã sẵn èo uột, mấy năm gần đây, các thành viên VAMA vì nhiều lí do cũng xin rút dần khỏi cuộc chơi. Năm ngoái, 4/11 tên tuổi lớn trong VAMA vắng mặt. Isuzu, Mitsubishi, Ford không còn hứng tham gia. Trường Hải vẫn chưa thấy đây là triển lãm phù hợp nên chưa từng tham gia và cũng chưa có ý định tham gia trong những năm tới. Nhiều người cứ nói vui, VAMA Motor Show vốn đã là món ăn không mấy ngon, nay lại còn ít đi và nhạt hơn.
Vietnam Motor Show vẫn được coi là triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam, nhưng điều đáng nói là cái quy mô lớn của mình lại quá nhỏ so với các triển lãm tại hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới. Cái nhỏ ở đây khi so sánh với nước ngoài không chỉ nằm ở quy mô mà ta có thể nhìn nhận thấy ở cả chất lượng của triển lãm lẫn nội dung của các cuộc hội thảo. Nội dung chủ yếu của các cuộc hội thảo bao lâu nay vẫn vậy, là cứ bàn về việc phát triển công nghiệp ôtô như thế nào? Làm sao để giảm thuế? Có thể nói là nhàm chán khi chỉ bàn, chỉ hội thảo mà không giải quyết được vấn đề. Về hình thức, chừng đó cái tên các doanh nghiệp tham gia, lác đác những mẫu xe mới, nghèo nàn các hoạt động khiến khách tham quan cứ đều đặn thưởng thức những món ăn quen và nhàm chán.
Vietnam Motor Show đang nhạt dần
Thử hình dung, cả một triển lãm ôtô lớn nhất nước diễn ra năm ngoái mà các doanh nghiệp cũng chỉ trưng bày được chưa đến năm chục mẫu xe. Ngó sang số lượng xe của triển lãm Bangkok International Motor Show 2012 mới thấy là quá ít. Trong khi Triển lãm Bangkok sẽ có tổng cộng 650 mẫu xe được trưng bày thì ở Việt Nam chưa bằng số lẻ.
Lại so sánh đến cả cái tên, nếu như các Triển lãm quy mô trên thế giới đều mang tên một thành phố như NewYork, Geneva, Tokyo, Bangkok Motor Show thì ta mang tên Quốc gia. Triển lãm của cả một quốc gia có quy mô quá nhỏ bé so với triển lãm đứng tên một thành phố. Cần phải nói lại, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng lấy ví dụ như thế để thấy rằng, chúng ta đang ở đâu và chúng ta cần phải làm gì?
Một góc Triển lãm ôtô Bangkok
Mọi cái tên, mọi con số cung chỉ là số liệu, vấn đề vẫn là ở cách làm. Triển lãm người ta giới thiệu xu hướng công nghệ, giới thiệu xe, quan tâm đến người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh quốc gia. Còn ở ta, ta tổ chức triển lãm mang tính chất thương mại. Cái tư tưởng tổ chức sự kiện để kiếm lời, để thu tiền trước khi nghĩ đến người tiêu dùng thì cũng còn lâu Triển lãm ở ta mới xứng tầm với các nước bạn trong khu vực thôi, chứ chưa nói gì đến các Triển lãm ôtô trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét