Nếu không có sự đồng thuận hợp tác của người dân thì bất cứ kế hoạch nào của nhà nước cũng không thể đi đến thành công được. Mọi người dân sẽ ủng hộ đề án đó nếu nó hợp lý và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của họ.
Thông tin phí bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012 khiến đa phần người dân không đồng tình. Theo ý kiến của nhiều người, đề xuất này không sai, nhưng tính hợp lí thì không có.
Chưa hợp lí
Anh Phan Hồng Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: ”Bộ GTVT đề xuất ra loại phí bảo trì, phí lưu hành hằng năm đối với ô tô, xe máy như hiện nay là chưa hợp lý. Không thể viện lý do thu để tu bổ đường được, vì tiền thu từ các trạm thu phí làm gì, để ở đâu? Hơn nữa nhiều tuyến đường vừa xây dựng xong đã xuống cấp thì trách nhiệm thuộc về ai. Chẳng nhẽ lại cứ đè đầu người dân ra lấy tiền để sửa đường. Bên cạnh đó, tôi thấy đời sống và mức thu nhập của người dân Việt Nam còn rất hạn chế, nếu gánh nhiều loại phí như vậy sẽ càng khó khăn hơn. Trường hợp như tôi vất vả lắm mới mua được chiếc ôtô để làm ăn nhưng với mức phí chồng phí thế này chắc phải bán xe”.
Cũng đồng tình với ý kiến việc thu phí đường bộ là chưa hợp lí, anh Dương Ngọc nói: “Chúng tôi hiểu nhà nước đúng là cần nguồn thu để sửa chữa đường, không sai. Nhưng thu như thế nào để dân tình chấp nhận và thấy hợp lí, thì mong các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thêm trước khi áp dụng. Vì, không thể đánh đồng tất cả mọi người vào như nhau 1 loại tiền. Có những người họ kiếm sống nhờ phương tiện, họ di chuyển nhiều, họ phải nộp nhiều hơn là những người cả năm chỉ dùng đến chiếc xe vài lần”.
Anh Quang Phương (Lĩnh Nam, Hà Nội) thì hồ nghi về tính khả thi cũng như mục đích của việc thu phí lưu hành: “Ôtô, xe máy đâu phải là phương tiện xa xỉ mà chỉ là phương tiện cho con người đi lại, làm ăn. Việc thu phí cao như vậy đối với người giàu thì chẳng thấm tháp gì, còn người thu nhập bình thường, nghèo thì quả là gánh nặng. Trước khi áp dụng phải tham khảo, điều tra ý kiến của người dân xem đồng tình hay không, sức người dân có chịu được hay không? Nếu các loại phí đó được áp dụng chắc gì chất lượng đường sá được đảm bảo. Còn đưa ra lý do thu phí để hạn chế tắc đường thì chỉ nên áp dụng đối với xe đăng kí mới. Liệu người đưa cái ra quy định này có đảm bảo là đường hết tắc không?”.
Cần phải công bằng
Đòi hỏi về sự công bằng (dù chỉ là tương đối như một vị giới chức ngành GTVT đã nêu) cũng luôn được người dân nhấn mạnh. Và điều khiến đa số không đồng tình ở đây là nếu đã quy định thu phí, sao vẫn tạo ra những khoảng cách dễ gây bất bình, khiến người dân khó có thể “tâm phục, khẩu phục” được. Vì dù là ai cũng đều là những công dân bình đẳng của đất nước…
Bởi vậy, để thực thi chủ trương mới này, nhiều người vẫn tiếp tục đặt câu hỏi. Đồng thời nêu rõ: để chứng minh cho tính khả thi của biện pháp, các vị giới chức cần nêu gương thực hiện trước cho người dân noi theo.
Anh Thanh Hải (N.Đ) đề nghị: “Các vị giới chức làm gương đi xe buýt đến trụ sở làm việc cho dân noi theo đi. Các vị cũng nên đề nghị cả gia đình và bạn bè mình làm theo như thế, xem có ai đồng tình không. Các vị cứ vừa hô hào thu phí này nọ, nhưng vẫn cho nhập xe máy, ôtô từ nước ngoài... Tiền thuế ấy để làm gì nhỉ? Các hãng xe trong nước thì cứ lên kế hoạch tăng trưởng đấy thôi. Mong các vị suy nghĩ cho thấu đáo trước khi đề ra hết khoản phí này tới khoản thu khác, mà theo chúng tôi nghĩ thì chỉ càng đè thêm gánh nặng lên người dân chúng tôi thôi”.
Cũng bức xúc không kém về đề xuất thu phí, anh Nguyễn Quang Hưng (H.P) đã đặt một loạt các câu hỏi dành cho các vị cán bộ ngành giao thông vận tải: “Giao thông lộn xộn không đảm bảo yêu cầu phát triển của xã hội, người dân chúng tôi có phải là người xây dựng các đề án phát triển giao thông đô thị tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đó không? Trách nhiệm thuộc về nhân dân sao? Chúng tôi không biết các đồng chí thứ, bộ trưởng Bộ GTVT hàng ngày đi làm bằng cái gì? Liệu các đồng chí có thể rời ô tô ra để đi làm bằng các phương tiện khác không? Các khoản thu nhập chính đáng của các đồng chí có đủ để trang trải chi phí cho một cái xe không?...”
Bạn Linh Giang (N.A) thì cho rằng: “Việc Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra các lập luận và mức phí thu đối với các phương tiện xe cơ giới như lâu nay báo chí đưa tin, theo tôi là không thỏa đáng. Dân quá nghèo, nước còn quá nghèo, trong khi đó phí chồng lên phí, thì đa số người dân sao chịu nổi? Ông Bộ trưởng có xe của nhà nước đưa đón, làm sao biết nỗi khổ của bao người dân còn nghèo trên khắp đất nước hàng ngày phải vật lộn chạy chợ mới có đủ cái ăn bằng những chiếc xe máy "cà tàng", thì họ lấy tiền đâu đóng phí?”.
Lắng nghe ý kiến của dân
Việc cải tổ hệ thống giao thông là một vấn đề tuy cấp bách nhưng không thể thực hiện nhanh hơn tốc độ gia tăng đời sống kinh tế của người dân, và nhất là khi chưa có sự đồng tâm hợp lực của đại đa số của người dân.
Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ". Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.Ngoài thu phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng là từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt. Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét