Cũng theo ông Thăng, một chính sách đưa ra, phải động chạm đến đối tượng bị tác động. Qua việc thu phí, 100% người dân được hưởng lợi, trong đó có cả những người phải nộp phí. “Tôi nghĩ rằng tác động của chính sách này khi được thông qua thì chỉ có khoảng 600.000 người có ô-tô bị tác động. Nhưng đa số người dân được hưởng lợi vì họ được đi nhanh hơn, không phải dừng xe, ngửi khói xe.
“Bộ GTVT và cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm về đề xuất mức thu phí. Chủ trương đã có, chúng tôi sẵn sàng đề xuất vì mục tiêu đại đa số người dân được hưởng, tôi không sợ tín nhiệm cao hay thấp”.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết như trên, tại cuộc họp báo ngày 3/4. Ông Thăng cũng khẳng định, Quốc hội (QH) cũng đã đồng ý với phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí vào nội đô giờ cao điểm.
“QH đã thông qua”
Trả lời câu hỏi QH tán thành chủ trương chung của Chính phủ về các giải pháp giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông hay tán thành với đề xuất cụ thể về 2 loại phí hạn chế phượng tiện cá nhân và phí vào nội đô giờ cao điểm, Bộ GTVT có lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của đề xuất này, ông Thăng cho rằng Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn cũng nêu rõ: QH tán thành các chủ trương, giải pháp mà Chính phủ trình, trong đó có giải pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu thông phương tiện vào nội đô giờ cao điểm.
“Như thế QH đã thông qua. Chúng tôi chưa thể xin ý kiến nhân dân về đề xuất khi Chính phủ chưa quyết. Điều đó sẽ được thực hiện khi Chính phủ đồng ý mức thu đã”, ông Thăng nói và cho biết các giải pháp đề ra phải đồng bộ, nếu hoàn thiện xong hạ tầng mới hạn chế phương tiện cá nhân thì không còn kịp. Không phải Bộ “thích thì làm” mà phải theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng theo ông Thăng, việc thu phí ô-tô cá nhân trên cả nước nhằm mục đích hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân và có tiền để đầu tư hạ tầng. Hiện nay Nhà nước vẫn phải dành ngân sách đầu tư hạ tầng và vốn huy động của xã hội. Như ban đầu, đề xuất thu phí là 20 - 50 triệu đồng/năm, nhưng tiếp thu các ý kiến, Bộ GTVT đã chia nhỏ đối tượng thu, từ 10 - 50 triệu, xe máy chỉ thu tại 5 TP là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, chỉ thu ở nội đô và không thu phí đối với người nghèo. Phí đối với xe máy cũng có nhiều mức.
“Được đóng phí cũng tự hào”
Về ý kiến cho rằng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nhưng người phải nộp phí không được hưởng dịch vụ gì, ông Thăng cho biết ở đây, phí mang tính chất gián tiếp, vì hiện đường bộ Việt Nam có khoảng 280.000 km, trong khi phí thu được mới chỉ đạt 2.500 km (khoảng 0,7%).
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định QH đã đồng ý với thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.
Do vậy, đa số những người đi ô-tô sẽ ủng hộ việc này vì họ đi lại thuận tiện hơn, hạ tầng cũng sẽ tốt hơn, chi phí xăng dầu giảm, tiết kiệm thời gian hơn. Việc đóng phí cũng thể hiện sự yêu nước. Trong 600.000 người có ô-tô, đóng phí cũng sự tự hào, hạnh phúc”, Bộ trưởng Thăng lý giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét